Năm Tháng Đi Qua
Năm Tháng Đi Qua
Anh Hải tuyên bố cưới vợ. Cả nhà giật mình. Chưa hết, vợ anh không ai khác mà chính là chị Hoan, người đàn bà vừa già vừa xấu, hơn anh một tuổi. Vấn đề gì, con trai sự nghiệp mới là hàng đầu, cưới vợ mà có cơ hội thăng tiến thì cưới, đó cũng là một cách, anh thủng thẳng nói vậy. Xe hoa tiến thẳng từ khách sạn Kim Liên về Nghĩa Đô sau bữa tiệc. Ngôi nhà ba tầng rưỡi lộng lẫy đã đợi anh.
Người thì mừng cho mẹ tôi, đẻ con trai mà chẳng phải lo gì nhà cửa, tương lai lại xán lạn, bố vợ anh là người có quyền lực, sau khi chính thức trở thành con rể anh sẽ chuyển sang công ty ông, đảm nhận chân trợ lý giám đốc. Hơn cả trúng xổ số. Người lại cho thế là nhục. Có mỗi thằng con mà cũng không lo được cho đến nơi đến chốn. Chẳng biết mẹ nghĩ gì, chỉ thấy rầu rầu.
Anh Hải vừa chuyển đi thì chị Nam về, mang theo cái bụng to tướng. Ở bên đó thêm ngày nào thì con chậm đẻ ngày đó. Nhà có con dâu chửa mà suốt ngày khói than tổ ong sặc sụa, đi tắm phải bê từng chậu nước, không cẩn thận ngã sóng soài khi nào không biết, được cái phòng khách thì bà chị gái lại mượn làm nhà trẻ, suốt ngày tiếng trẻ con khóc léo nhéo. Thôi thì mỗi người nhịn một tí, tôi chuyển lên gác xép cùng cái Thủy, nhường hai mẹ con chị một góc phòng khách, cũng là phòng ăn, phòng ngủ cho cả nhà. Dụ mãi vợ vẫn không chịu về, anh Cách vài tối lại sang thăm nom hai mẹ con, có khi ngủ lại. Chồng gì mà kém thế, vợ đẻ đến nơi rồi cũng chẳng biết lo, cùng lắm thì ra thuê nhà trọ, ngồi trên gác xép cái Thủy làu bàu. Mày thì biết gì, tiền thuê nhà trọ đó dành bồi dưỡng cho hai mẹ con chẳng hơn sao, nhà mẹ đẻ chứ xa ngái gì mà ngại, lo ôn bài đi, tuần tới thi rồi đấy, sợ con bé phân tâm, tôi gạt... Trùm chăn kín mặt rồi, con bé còn kéo tôi dậy, chị Nam may có người rước, cũng còn hơn cái thân chị.
Tôi thao thức về Quân. Thầy bói phán tình duyên tôi lận đận, phải yêu đến người thứ ba mới cưới được. Nghĩa là chưa dừng lại ở Quân. Người con trai lướt nhẹ làn môi lên má tôi lần đầu tiên không phải là Quân. Đó là một kỷ niệm mãi mãi trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Về một đêm Hà Nội lang thang khi ngày mai Châu đã sang tận trời Âu cùng bố mẹ. Khi đó tôi sắp thi tốt nghiệp, còn “mối tình đầu” mới “chập chững” vào cấp ba. Sau này thỉnh thoảng tôi lại mơ thấy Châu, những hình ảnh chập chờn không rõ ràng. Rồi, sau một đêm mơ như thế, tôi biết tin Châu bị tai nạn, mất sau khi đưa vào viện được hai tiếng. Sáng hôm sau đến trường tôi nhận được thư Châu, một chiếc lá xanh ép trong đó với lời đề tặng “Em đã tìm thấy lá diêu bông”. Sau này, mỗi lần chạm vào má Quân tôi lại rùng mình vì làn môi lướt nhẹ và ánh mắt không phải là một cậu bé con nữa: “Chờ Châu về... có được không?”. Châu có biết rằng khi đó tôi cũng run rẩy trong một trạng thái đầy xao xuyến. Châu có biết rằng Châu đã luôn có mặt trong suy nghĩ của tôi, trước đó, và cả những ngày không được gặp sau này... và đến tận cả bây giờ... Quân là dân kinh tế, anh tính niềm vui, nỗi buồn bằng những con số. Không để ý những tiếng thở dài hay những reo vui trong tôi khi những cánh hoa rã rời về chiều, khi tia nắng mặt trời nhảy nhót trong một sớm mùa đông nhưng lại ầm ĩ lên khi tôi thông báo chị Nam định về nhà mẹ sinh con. Cũng phải, vì đó là chuyện lớn. Cái Thủy sắp thi đại học, tôi đang con gái, có bà đẻ trong nhà không “gai” sao. Bà ấy mà nằm vạ đó thì khổ em chứ còn ai nữa. Cũng phải, mẹ tôi không thể chạy ra chạy vào để lo việc này việc kia nhanh nhẹn như những người đàn bà khác ở tuổi gần 60 được nữa, công việc của tôi thì lại chủ yếu làm ở nhà. Nhưng cái sự phải của Quân cứ gờn gợn lên trong tôi một cảm giác gì đó.
Họp gia đình. Chị Hoan viện lý do bận công việc không đến được. Mà cô ta thì biết gì về cái nhà này mà tham gia. Kéo cả thằng Quân đến nữa, sớm muộn gì nó chẳng là con rể nhà này, để xem tao nói đúng không, ai đời nhà chồng không ở về đây làm khổ cả nhà, anh Hải đỏ mặt. Chị Nam quay sang anh rể chì chiết, chỉ cần bà chị nhà anh đừng tha mấy đứa con nít đó về nhà nữa mà cũng không xong, xem có chỗ nào để thở nữa không mượn nốt luôn. Anh rể đưa cái nhìn sang mẹ cầu cứu. Mẹ vẫn cái vẻ lặng lẽ ấy. Mà cái nhà anh cũng hơn gì nhà này, sao coi thường nhau vậy, con dâu sang đây cả tuần cũng không đến thưa lấy một lời, hay khinh nhà tôi không có bố. Không biết nói gì hơn nữa, anh Hải quay sang cậu em rể. Nhắc đến bố ai nấy sa sầm mặt, tôi đưa mắt nhìn anh Hải. Có lẽ anh đã quá kích động không kìm lời được. Cái Thủy kéo ri-đô lại cho mẹ nằm yên tĩnh. Anh Hải bỏ về, khó chịu vì vẫn chưa đẩy được cô em ra khỏi nhà. Tôi leo lên gác dịch nốt đống tài liệu, nhưng không thể nào tập trung. Hai phần ba phòng khách chỉ còn anh vợ chồng chị Nam, lặng thinh.
Hình ảnh bố đã mờ nhạt, mờ nhạt dần trong tâm trí chị em chúng tôi. Người ta bảo bố tôi đi đâu rồi mất tích luôn. Bà ngoại tôi lại nói rằng bố vào Đồng Nai, bị người ta mua chuộc rồi ở lại không về được, nghe đâu cũng có ba đứa con trong đó. Mẹ tôi chỉ biết khóc cho số phận. Chúng tôi tự nhiên mà lớn dần trong căn phòng 22 mét vuông trên tầng 5 của khu tập thể ẩm thấp này và coi việc không có bố như một tất yếu. Nếu nhìn mẹ bây giờ người ta không sao giải thích nổi một người đàn bà thế này lại nuôi nổi bốn đứa con. Đứa nào cũng được ăn học tử tế. Tôi không thể nào nhớ hết những công việc mẹ từng mang về nhà làm mỗi tối suốt hàng chục năm trời đó. Giỏi như mẹ mày không ai bằng, khổ mấy cũng sống được, cả mấy đứa con nữa, tôi quen với những lời người ta nói như thế, và thừa nhận... Cho đến ngày mẹ ngất đi và mê man trong phân xưởng nhà máy. Không còn nữa người phụ nữ lanh lẹ, xốc vác mà thay vào đó là một người đàn bà xa lạ, sau gần một tháng nằm viện trở về. Nhà máy cho mẹ nghỉ chế độ mất sức. Mà chúng tôi thì vẫn cứ phải lớn lên. Mẹ trông coi một cửa hàng đồ khô ngoài chợ.
Tôi nhìn Quân thảng thốt. Vừa nãy, Quân còn rối rít lần từng khuy áo trong bóng tối của quán cà phê. Nơi mỗi khi tâm lý căng thẳng anh lại đưa tôi đến. Chuyện gì đã xảy ra... Mẹ anh, mẹ anh coi em như một người con gái trong gia đình nhưng không chấp nhận em như một người con dâu... Anh không hề muốn điều đó xảy ra. Em đừng hận... Anh cũng khổ lắm... Vấn đề bố em anh đã thuyết phục được mẹ rồi. Nhưng còn... căn bệnh của mẹ em, người ta bảo, nếu sinh con thế nào người mẹ cũng... Cũng điên, anh muốn nói thế chứ gì, không nghe thêm được lời nào nữa tôi thét lên và lao ra đường.
Quân đã nói gì ngày ngỏ lời tôi, nhớ nữa không. Anh yêu em hơn, thương em hơn chính vì cuộc sống của em không được như người ta. Anh sẽ bù đắp cho em. Tình yêu của anh với em mới là quan trọng, mới là quyết định, không ai có thể ngăn cản. Rồi mọi người sẽ hiểu và thông cảm... Tôi biết cả khi ấy và lúc này những lời đó đều là những lời gan ruột của anh.
Bà ngoại tôi mất trong một lần lao ra đường như tôi hôm nay, khi con tàu không hãm kịp. Tất cả mọi người trong đám tang đều cho rằng lúc đó bà đang lên cơn. Căn bệnh đó đã truyền sang mẹ tôi sau khi sinh cái Thủy. Và cũng vì lẽ đó mà bố tôi đã bỏ đi. Tôi không biết tất cả đó có phải là sự thật. Vẻ mặt nhiều khi như bất động của mẹ, sự lặng lẽ đôi lúc đến đáng sợ của mẹ, và những cơn mê man... là tích tụ của chuỗi ngày đau đớn hay... Tôi vẫn chưa hiểu hết về mẹ. Và có lẽ cả mấy đứa con của mẹ không bao giờ hiểu hết.
Sao không có cái xe nào lao vào tôi, và mãi khi đến nhà, leo lên gác xép, đổ vật người xuống đống chăn tôi mới biết mình vẫn còn sống. Những giọt nước mắt giờ mới trào tuôn. Và tôi thiếp đi. Tôi mơ thấy khuôn mặt như thiên thần của Châu đang nheo mắt nhìn tôi với nụ cười thật rạng rỡ. Rồi Châu nắm tay tôi kéo đi... nơi dừng lại là một chốn chưa bao giờ tôi thấy nhưng có gì đó rất đỗi quen thuộc: một làng quê yên tĩnh và những khuôn mặt không quen biết nhưng rất thân thiết, hai đứa tôi reo vui dọc con sông làng... Tôi tỉnh dậy bởi tiếng khóc và rên la của chị Nam, cái Thủy ra hiệu, yên tâm, không phải đau đẻ đâu. Đã gần 10 giờ đêm, nghĩa là tôi đã thiếp đi hơn sáu tiếng đồng hồ. Anh Quân đến tìm chị nhưng chị sốt quá, mua mấy bịch sữa về rồi dặn đi dặn lại em nhớ chăm sóc chị hộ anh như thể em không phải là em gái chị vậy, hình như anh ấy sắp đi công tác hả chị. Tôi cắn răng, nuốt nỗi uất nghẹn tận đáy lòng.
Giấc mơ vừa rồi... Cứ mỗi khi tinh thần bị chấn động là tôi lại mơ thấy Châu và những ngày cấp ba của mình. Vì tâm hồn thơ thới chưa nghĩ gì xa hơn và biết đang được một tâm hồn nữa nâng niu, vuốt ve hay chỉ là một ngẫu nhiên. Trên đời này chỉ có em là hiểu chị nhiều nhất, em sẽ bảo vệ chị, có phải một lần Châu đã nói thế. Sao tôi không cất giữ những lời tưởng như là vu vơ đó... Tìm một nơi nào đó nghỉ ngơi cho lòng yên tĩnh, có phải Châu đã nhìn thấy và muốn nói với tôi vậy.
Tôi muốn đi đâu đó thật xa. Thoát khỏi căn phòng luôn thiếu ánh sáng này.
Nhưng tôi chưa kịp chuẩn bị cho cuộc đi xa.
Người ta gọi điện về nhà, mẹ tôi ngã ngoài đường, không nặng lắm nhưng phải có người ra đưa về. Từ hôm đó thần sắc mẹ khác hẳn. Mắt cứ nhìn theo một hướng vô định. Nếu không có ai trông chừng, mẹ lại ra đường lang thang, nhiều đêm không về, tôi và cái Thủy lại nhao nhác đi tìm.
Hay đưa mẹ vào viện? Anh Hải dè dặt đề nghị. Nhưng mày bảo thằng Quân cưới phắt cho xong đi đã, anh hướng cái nhìn về phía tôi.
Tôi tìm đâu ra bình yên, tĩnh trí.
Tiếp theo > |
---|